Những đức tính cần có cho việc “sống còn” của 1 system admin
Dấn thân vào với nghề system admin, cũng như bất kỳ 1 ngành nghề nào khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bạn luôn phải đối diện với những áp lực, những khó khăn, làm thế nào để vượt qua, làm sao để sống còn với còn đường mình đã chọn? Người ta thường nói, việc chọn người, nhưng khi bạn đã chọn system admin là nghề của bạn, bạn cần rèn luyện cho mình những “đức tính” cần thiết sau.
Tính cẩn thận
Tại sao lại đặt tính cẩn thận lên hàng đầu?, vì khi bạn là 1 system admin, mọi thứ liên quan đến hoạt động của hệ thống, việc duy trì và đảm bảo tính ổn định của hệ thống là yếu tố hàng đầu và là yếu tố duy nhất để người ta trả tiền cho bạn. Bất kỳ sự sai sót nhỏ nào của bạn, đều ảnh hưởng đến hệ thống, nhất là những hệ thống dữ liệu, hệ thống thanh toán, hệ thống đăng nhập… sai 1 ly là đi ngàn dặm 🙂
Cẩn thận có thể rèn luyện được, nhưng không phải là trong 1 hay vài ngày, có người có khi cả đời cũng không thể nào “cẩn thận” được. Vậy việc cẩn thận của system admin thể hiện như thế nào, dưới đây là 1 số thứ mà tôi khuyên bạn cần làm để có đươc nó.
Luôn luôn backup mọi thứ, như file cấu hình hệ thống, bản cài đặt version cũ hơn, dùng mv chứ đừng dùng rm 🙂
Luôn ghi lại step by step những thao tác bạn định làm, cho dù đó là những thao tác bạn làm thuần thục và thường xuyên nhất, luôn ghi nhớ là bạn đã thực hiện tới bước nào, còn sót bước nào không, sau khi thực hiện xong cần kiểm tra lại 1 lần nữa về những thứ bạn đã thay đổi trong hệ thống.
Luôn kiểm tra whoami bằng command cũng như chắc chắn khi gõ init 0 hay reboot bất kỳ 1 sheet của terminal hay nhấn Ctr+Alt+Del , có thể bạn đang reboot production server chứ không phải là máy local của bạn 🙂
Chịu khó
Khi bạn chọn theo nghề này, đừng bao giờ than phiền khi thức giấc lúc nửa đêm và làm việc cho tới sáng hôm sau, hay thức vài đêm liền ngồi trong datacenter, bưng vài chục con server từ tầng hầm lên tầng 2, hay đang ngoài đường, trời nắng hay mưa thì khi có cuộc gọi hoặc alert từ hệ thống bạn đều phải sẵn sàng xử lý ngay lập tức. Có nghĩa là bạn sẽ phải có đức tính chịu khó và không có ngày nghỉ nào đích thực khi chọn nghề này.
Vậy bạn rèn luyện tính “chịu khó” như thế nào? Theo tôi thì khi chọn nghề, bạn đã có sẵn tính này rồi, nếu không thì bạn sẽ chọn việc nhẹ nhàng và gian khổ này đã để dành phần tôi 🙂
Chịu được áp lực
Áp lực luôn có, dù hữu hình hay vô hình, và bạn luôn phải đối diện với nó. Khi hệ thống ổn định, và hoạt động trơn tru, áp lực của bạn là phải làm sao để tối ưu hóa hệ thống, làm sao để giảm chi phí, tài nguyên khi vận hành nó, bạn phải nghĩ cách làm sao tự động hóa tất cả các thao tác, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống. Nhưng như vậy, đó là 1 áp lực dễ chịu, không cần phải đề cập quá sâu vào vấn đề này.
Áp lực thực sự khi có sự cố xảy ra, và ví dụ như bạn chỉ có 1 mình để giải quyết chẳng hạn, bạn phải có tinh thần thép để vượt qua nó. Chịu được áp lực là chịu được lời của sếp bên tai, lời của khách hàng la ó, lời của đồng nghiệp … Phải thật bình tĩnh để xử lý sự cố cũng như chuẩn bị tinh thần thép để giải trình sự cố 1 cách tối ưu nhất.
Có thể áp lực cũng đến khi bạn phải làm report hàng ngày, phải chịu sự coaching của sếp trực tiếp, hoặc áp lực đến từ những thứ người khác giao cho bạn và quá khả năng của bản thân bạn.
Vậy bạn rèn luyện đức tính này như thế nào? Theo tôi, luôn có 1 ngưỡng được đặt ra cho bản thân, khi bạn vượt qua chính bản thân, thì chả có áp lực nào dù hữu hình hay vô hình làm khó được bạn. Thắng chính bản thân mình sẽ vượt qua áp lực.
Trung thực
Tại sao trung thực là điều cần có của 1 system admin? Bạn trung thực nhận lỗi khi bạn đã làm sai, bạn trung thực với sếp, với khách hàng, với đồng nghiệp và với bản thân mình. Đừng cố tính đá quả bóng trách nhiệm của mình cho người khác, mà hãy dũng cảm đối mặt với nó. Tuy nhiên, thẳng thắn thường thua thiệt, ngành nghề nào cũng vậy, nhưng riêng với tôi, giá trị của bản thân bạn nó đến từ cái lõi trong tâm.
Rèn luyện tính trung thực bằng cách nào? Bản thân tôi cũng không rõ nữa, nhưng chân thành với đồng nghiệp, trung thực với mọi người khiến bạn sẽ trở thành 1 người có tâm và sẽ “còn sống” với nghề của bạn được lâu nữa.
Ham học hỏi
Ngành công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, đứng im có nghĩa là bạn đã thụt lùi, và khi mọi người sẵn sàng bỏ lại quá xa thì bạn sẽ bị gạt bỏ ra khỏi guồng quay của nó. Vì vậy, sống còn với bạn có nghĩa là khi bạn sẵn sàng học hỏi và tiếp thu cái mới, không bảo thủ với những thứ trước đây mà bạn nghĩ là phù hợp.
Đọc sách, học hỏi từ cộng đồng, từ đồng nghiệp, từ sếp, từ khách hàng thậm chí là từ những fresher mà bạn nhận training. Đừng ngại khi trao đổi và chia sẻ những kiến thức mà mình có được, đó cũng là 1 cách học hỏi người khác.
Bày tỏ quan điểm, ý kiến
Để sống còn, bạn cần phải bày tỏ quan điểm của mình với người khác, không phải là tranh cãi tới cùng, không phải là sống chết để bảo vệ ý kiến của mình, nhưng bạn cần có chính kiến của mình. Tuy nhiên, cách trình bày ý kiến cũng là 1 nghệ thuật, bạn góp ý thì nên nhẹ nhàng, bạn là sếp thì giao việc 1 cách nhẹ nhàng, không vô tình tạo áp lực, khi bạn là lính, bạn không nên thẳng thắn quá khi thấy sếp hay đồng nghiệp sai. Nếu ý kiến của bạn không được đám đông hưởng ứng, cũng đừng quá bức xúc mà tỏ thái độ, điều đó không tốt cho ai cả.
Đây thực sự là 1 nghệ thuật, trong bài viết này chắc chắn sẽ không nói ra hết được, tuy nhiên, bạn là người có chính kiến, tôi sẽ tôn trọng bạn.
Biết lắng nghe
Ngoài việc biết bày tỏ ý kiến, thì lắng nghe cũng là 1 đức tính bạn cần có, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ, bạn hãy luôn làm như thế. Hãy luôn là người biết lắng nghe khi người khác bày tỏ quan điểm, ý kiến, nguyện vọng của mình, đừng nên nhảy thẳng vào miệng khi người khác mở lời, cũng không nên trù dập ý kiến của người khác khi vừa mới nói ra.
Lắng nghe, không có nghĩa là phục tùng tuyệt đối, là nghe lời như mẹ bảo con.
Trên đây là 1 vài đức tính cần có và nên được rèn luyện của những người đã và đang chọn system admin là đam mê của mình, nếu bạn chưa có những đức tính trên, cũng không sao, mọi thứ đều có thể rèn luyện được, nếu bạn đã có những thứ trên thì chúc mừng bạn đã “sống”.